Hợp đồng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên bán doanh nghiệp có nghĩa vụ chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu doanh nghiệp cho bên mua lại doanh nghiệp và nhận tiền bán doanh nghiệp theo thỏa thuận trong hợp đồng, còn bên mua lại doanh nghiệp có nghĩa vụ nhận doanh nghiệp và tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đó theo quy định pháp luật cũng như theo thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng, đồng thời trả tiền cho bên bán lại doanh nghiệp.
Hợp đồng là kết quả cũng là yếu tố đảm bảo cho sự thành công của hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Trong bài viết này, luatsugioi.vn trao đổi với độc giả về hợp đồng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam.
1, Nguyên tắc xây dựng hợp đồng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A)
Nhắc tới hợp đồng, các quy định trong hợp đồng càng chi tiết càng đảm bảo hạn chế rủi ro và tranh chấp. Hợp đồng cần được xây dựng một cách cẩn trọng. Các nguyên tắc mà một hợp đồng M&A cần phải tuân thủ cũng giống như mọi loại hợp đồng khác, bao gồm: nguyên tắc tự do thỏa thuận, nguyên tắc tự nguyện, nguyên tắc chịu trách nhiệm về mặt tài sản.
Ngoài ra, hoạt động M&A là một quá trình kéo dài, sự thành công của thương vụ dựa nhiều vào sự hợp tác của các bên liên quan, chính vì vậy hợp đồng M&A nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác.
Hợp đồng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp mang đầy đủ đặc trưng pháp lí của hợp đồng dân sự. Bởi hoạt động M&A có phạm vi rất đa dạng: bên mua có thể chỉ mua một phần vốn trong doanh nghiệp bên bán, bên mua mua toàn bộ phần vốn góp của bên bán hoặc hai bên sáp nhập vào nhau; không có một mẫu chung thống nhất cho hợp đồng M&A mà hợp đồng sẽ được thiết kế riêng, phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
2, Những tranh chấp có thể phát sinh trước, trong và sau khi giao kết hợp đồng M&A
Trước khi giao kết hợp đồng M&A, các bên liên quan thường kí kết biên bản ghi nhớ nhằm cho phép bên mua tiến hành điều tra, khảo sát các rủi ro về mặt tài chính, pháp lí cũng như những mâu thuẫn lợi ích nếu tiến hành thương vụ. Những tranh chấp có thể xảy ra liên quan tới các thông tin bí mật đã khai thác được trong quá trình tiến hành điều tra, chi phí cho việc thực hiện điều tra và những tranh chấp về việc thực hiện giao kết hợp đồng M&A.
Trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán và sáp nhập, có thể xảy ra các tranh chấp giữa các bên liên quan tới việc xử lí các nghĩa vụ tài chính phát sinh trước khi giao kết hợp đồng M&A của bên bán.
Sau quá trình giao kết hợp đồng M&A, có thể xảy ra những tranh chấp về trách nhiệm xử lí các vấn đề pháp lí liên quan tới lao động dôi dư; tính không chính xác hoặc thiếu trung thực về thông tin của các bên đã đưa ra trong quá trình giao kết hợp đồng M&A; nghĩa vụ thanh toán cũng như nghĩa vụ chuyển giao giữa các bên sau khi hoàn tất về mặt pháp lí thương vụ M&A hoặc khi xảy ra những điều kiện pháp lí không cho phép thực hiện kế hoạch thâu tóm như đã dự định ban đầu.
3, Các doanh nghiệp cần lưu ý gì khi tham gia mua bán và sáp nhập doanh nghiệp
Điều đầu tiên mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi tham gia M&A là phải xác định được rõ ràng mục tiêu chiến lược của bên mình trong thương vụ. Từ mục tiêu chiến lược được xác định, các doanh nghiệp phải tiến hành điều tra, thẩm tra các yếu tố rủi ro về tài chính, những chi phí có thể phát sinh, khả năng đạt được mức lợi nhuận kì vọng, các quy định về chống độc quyền, những rủi ro pháp lí… Các doanh nghiệp cần cân nhắc và quyết định nên hay không nên giao kết M&A dựa trên các cơ sở này, cần đảm bảo giải quyết được tương đối đầy đủ các rủi ro pháp lí, tài chính được chỉ ra trong quá trình điều tra.
Việc thanh toán trong các thương vụ M&A cũng rất phức tạp và chứa đựng nhiều rủi ro. Để đảm bảo tối ưu cho việc thực hiện khoản thanh toán, quy trình thanh toán nên được thực hiện thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian có uy tín.
Quý khách hàng có nhu cầu được tư vấn các vấn đề pháp lí và soạn thảo hợp đồng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, mời liên hệ với Công ty Luật Thống Nhất theo thông tin tại đây.