Luật sư giỏi

Luật cạnh tranh ảnh hưởng tới mua bán và sáp nhập doanh nghiệp như thế nào?

Luật cạnh tranh ảnh hưởng tới mua bán và sáp nhập doanh nghiệp như thế nào? 

Bên cạnh những điều khoản được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp về mua bán và hợp nhất doanh nghiệp, trong Luật Cạnh tranh, có những điều khoản ảnh hưởng tới hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A)  tại Việt Nam.

Luật cạnh tranh được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 03/12/2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2005. Cơ cấu pháp luật cạnh tranh gồm hai bộ phận là pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh. Các hành vi hạn chế cạnh tranh được điều chỉnh bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế.

luat-canh-tranh-anh-huong-toi-mua-ban-va-sap-nhap-doanh-nghiep-nhu-the-nao

1, Các quy định cơ bản về tập trung kinh tế 

Theo Điều 16 Luật Cạnh tranh thì: “Tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm: (1) Sáp nhập doanh nghiệp; (2) Hợp nhất doanh nghiệp; (3) Mua lại doanh nghiệp; (4) Liên doanh giữa các doanh nghiệp; và (5) Các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật”. Cụ thể hơn, Điều 17 Luật Cạnh tranh đã nêu ra khái niệm về sáp nhập, hợp nhất và mua lại doanh nghiệp với tư cách là những hình thức tập trung kinh tế. Từ các quy định của Luật Cạnh tranh ta có thể thấy:

Thứ nhất về bản chất pháp lý, theo Luật Cạnh tranh 2004 thì mua lại doanh nghiệp là hình thức tập trung kinh tế bằng biện pháp thiết lập quan hệ sở hữu giữa doanh nghiệp mua lại và doanh nghiệp bị mua lại. Việc mua lại không phải là quá trình thống nhất về tổ chức giữa hai doanh nghiệp nói trên. Sau khi mua lại, doanh nghiệp nắm quyền sở hữu có thể thực hiện việc sáp nhập hoặc không. Nếu thực hiện việc sáp nhập thì sự thống nhất về tổ chức là kết quả của hoạt động sáp nhập và việc mua lại chỉ là tiền đề để có được quyết định sáp nhập. Khi các doanh nghiệp tham gia đang hoạt động trên cùng một thị trường liên quan thì việc mua lại đã làm cho quan hệ cạnh tranh giữa họ không còn tồn tại. Theo Điều 35 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/09/2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cạnh tranh thì các hình thức mua lại không bị coi là tập trung kinh tế là khi: “Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng mua lại doanh nghiệp khác nhằm mục đích bán lại trong thời hạn dài nhất là 01 năm… nếu doanh nghiệp mua lại không thực hiện quyền kiểm soát hoặc chi phối doanh nghiệp bị mua lại, hoặc doanh nghiệp thực hiện quyền kiểm soát/chi phối nhưng chỉ trong khuôn khổ bắt buộc để đạt được mục đích bán lại “. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng đó phải gửi cho cơ quan quản lý cạnh tranh hồ sơ thông báo việc mua lại này. Thời hạn bán lại doanh nghiệp quy định tại Điều 35 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP có thể được Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh gia hạn theo kiến nghị của doanh nghiệp mua lại nếu doanh nghiệp chứng minh rằng họ đã không thể bán lại doanh nghiệp bị mua lại đó trong thời hạn 01 năm.

Thứ hai, về quyền chi phối hoặc kiểm soát doanh nghiệp bị mua lại. Điều 34 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định: quyền kiểm soát hoặc chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp khác “là trường hợp một doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp kiểm soát) giành được quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp khác (sau đây gọi là doanh nghiệp bị kiểm soát) đủ chiếm được trên 50% quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị hoặc ở mức mà theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp bị kiểm soát đủ để doanh nghiệp kiểm soát chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp bị kiểm soát nhằm thu được lợi ích kinh tế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị kiểm soát”.

Luật Doanh nghiệp không trực tiếp sử dụng thuật ngữ quyền chi phối hoặc kiểm soát doanh nghiệp khác mà sử dụng quan hệ mẹ – con giữa các công ty để thể hiện mối quan hệ sở hữu được xác lập từ việc mua lại hay góp vốn. Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành của công ty đó;

– Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;

– Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Về ý nghĩa pháp lý, quy định trong hai văn bản luật trên là tương đồng, nhưng xét về căn cứ xác định và giá trị ứng dụng lại có những điểm khác biệt đáng kể. Trong khi Luật Doanh nghiệp dựa trên mức vốn sở hữu hoặc giá trị quyền quyết định đến bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp, thì Luật Cạnh tranh đã quy đổi mức sở hữu thành giá trị của quyền biểu quyết trong bộ máy quản lý để xác định. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp còn sử đụng quyền quyết định đến việc sửa đổi, bổ sung điều lệ làm một trong những trường hợp xác lập quan hệ mẹ – con, còn Luật Cạnh tranh lại sử dụng quyền chi phối các chính sách tài chính, hoạt động của doanh nghiệp bị mua lại làm căn cứ.

luat-canh-tranh-anh-huong-toi-mua-ban-va-sap-nhap-doanh-nghiep-nhu-the-nao-1

2. Các ngưỡng gây hạn chế cạnh tranh:

Luật Cạnh tranh sử dụng thị phần làm cơ sở phân loại nhóm tập trung kinh tế và là tiêu chí duy nhất để xác định cách thức xử lý. Theo Khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh quy định: “Thị phần của doanh nghiệp đôi với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm “. Tiếp đó Luật Cạnh tranh cũng định nghĩa thị phần kết hợp là “tổng thị phân trên thị trường liên quan của các doanh nghiệp tham gia vào thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế”.

Điều 18 Luật Cạnh tranh cấm tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan. Ở trường hợp này, việc sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại đã hình thành một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp nắm giữ đa số thị phần trên thị trường liên quan và làm cho các doanh nghiệp còn lại chỉ là thiểu số trên thị trường, tạo nên sự thay đổi về cơ bản, đột ngột trong tương quan cạnh tranh và cấu trúc cạnh tranh trên thị trường. Do đó những trường hợp trên luôn bị xem là làm giảm, làm cản trở và sai lệch cạnh tranh một cách đáng kể. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ, đó là khi sau khi tập trung kinh tế .vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật và có thể được xem xét miễn trừ:

(i) Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thế hoặc lâm vào tình trạng phá sản (thẩm quyền xem xét quyết định thuộc Bộ trưởng Bộ công thương).

(ii) Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ (do Thủ tướng Chính phủ quyết định)

Khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia chỉ chiếm dưới 30% trên thị trường liên quan thì sự tập trung kinh tế chưa có khả năng tạo ra vị trí thống lĩnh cho doanh nghiệp hình thành sau khi tập trung. Lúc này, việc sáp nhập hợp nhất hay mua lại chỉ là các biện pháp cơ cấu lại kinh doanh hoặc đầu tư vốn bình thường nên chưa chứa đựng những nguy cơ đe dọa đến trật tự cạnh tranh của thị trường.

3, Tư vấn luật mua bán và sáp nhập doanh nghiệp 

Để hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp được tiến hành trơn tru, và để thương vụ thành công mang lại lợi ích lớn nhất, việc nắm được quy định pháp lí là điều kiện tiên quyết.

Để được tư vấn pháp luật và xây dựng hồ sơ mua bán và sáp nhập doanh nghiêp mời quý khách hàng liên hệ với công ty tư vấn luật uy tín Luật Thống Nhất theo thông tin liên hệ tại đây.

luatsugioi
luatsugioi
Articles: 198