Nhãn mác thường được dán lên sản phẩm để nhận biết sự khác nhau giữa các loại sản phẩm cũng như để khách hàng có thể nắm rõ các thông tin trên sản phẩm như công dụng, cách sử dụng…Nếu vì một lý do nào đó mà phải thay đổi nhãn mác thì phải làm thế nào? Thủ tục thay đổi nội dung nhãn mác như thế nào? Mời các bạn theo dõi bài viết sau để hiểu hơn về vấn đề này nhé!
Vừa qua, bên công ty Luật thống nhất đã nhận được một câu hỏi như sau:
Hiện nay, tôi đang làm việc cho một công ty chuyên nhập khẩu độc quyền men vi sinh từ Mỹ, về Việt Nam dán thêm nhãn phụ tiếng Việt rồi phân phối trong nước. Dự định sang năm sau, tôi cần thay đổi thông tin về công dụng trên nhãn tiếng Việt (nhãn tiếng Anh không có ghi công dụng, các thông tin còn lại trên nhãn tiếng Việt không thay đổi) thì tôi có cần phải xin giấy phép hay làm thủ tục hay không? Nếu có thì thủ tục xin thay đổi nội dung nhãn mác như thế nào?
Giải đáp
Đội ngũ tư vấn luật chúng tôi xin được trả lời câu hỏi này như sau:
Trước tiên, bạn hãy tìm hiểu những văn bản pháp luật sau:
Cơ sở pháp lý quy định về dán nhãn hàng hóa:
– Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa;
– Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06 tháng 4 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP;
– Thông tư 04/2012/TT-BCT quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành.
Theo Nghị định số 89/2006/NĐ-CP, giải thích một số từ ngữ về nhãn hàng hóa như sau:
1. “Nhãn hàng hoá” là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.
2. “Ghi nhãn hàng hoá” là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hoá lên nhãn hàng hoá để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh quảng bá cho hàng hoá của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
3. “Nhãn gốc của hàng hoá” là nhãn thể hiện lần đầu được gắn trên hàng hoá.
4. “Nhãn phụ” là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu.
Sau khi đã tìm hiểu về các văn bản pháp luật trên, dựa vào Khoản 1 Mục 1 Thông tư 09. Và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 89 thì chúng tôi thấy rằng:
Việc thay đổi nội dung công dụng trên nhãn mác sản phẩm nhập khẩu của công ty là có thể nhưng việc này cần phải tuân thủ một số điều sau:
– Thứ nhất, việc này cần phải tuân thủ theo hợp đồng ký kết giữa công ty bạn và bên cung cấp sao cho phù hợp với quy định pháp luật Việt nam cũng như pháp luật nước xuất khẩu. Bởi vì hai ngôn ngữ là khác nhau, một bên là tiếng Anh, một bên là tiếng Việt nên nếu công ty bạn thay đổi công dụng trên nhãn mác mà nội dung đó lại khác với nhãn gốc thì công ty bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung bạn đã ghi.
– Thứ hai, công ty bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký hoặc xin giấy phép để thay đổi nội dung công dụng của sản phẩm trên nhãn mác trừ khi công ty bạn muốn dãn nhãn phụ ngay tại kho ngoại quan thì chỉ được thực hiện khi được cho phép.
– Bạn cũng lưu ý là hiện nay, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm việc nhập khẩu hàng hóa đã dán nhãn phụ trước khi vào Việt Nam.
Đó là những ý kiến mà chúng tôi muốn tư vấn gửi đến công ty bạn. Nếu như còn băn khoăn hay thắc mắc gì về vấn đề này thì các bạn hãy liên hệ ngay với công ty Luật thống nhất để được trợ giúp nhé!