Giữa các nước có sự giao thương để cùng nhau phát triển, Việt nam có những mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài và cũng có những mặt hàng phải nhập khẩu từ nước ngoài về. Với những sản phẩm nhập khẩu thì cần phải ghi rõ ràng nhãn sản phẩm và có quy định riêng. Vậy những quy định về ghi dán nhãn sản phẩm nhập khẩu là gì? Mời các bạn cùng tìm hiểu một ví dụ cụ thể dưới đây.
Câu hỏi
Công ty tôi chuyên nhập khẩu sản phẩm xử lý nước thủy sản về phân phối tại Việt Nam (không có bất kỳ tác động nào đến sản phẩm ngoại trừ việc dán nhãn phụ tiếng Việt). Vậy luật sư cho tôi hỏi trên bao bì nhôm sản phẩm có dập code số lô hàng, vậy trên nhãn phụ có cần in lại số lô không? Nếu không in lại số lô trên nhãn phụ tiếng Việt thì có vi phạm Luật nhãn mác hay không? Rất mong nhận được lời giải đáp từ phía Luật sư.
Giải đáp
Câu hỏi của bạn chúng tôi xin được giải đáp theo 2 phần như sau:
1. Vấn đề ghi nhãn phụ tiếng Việt đối với sản phẩm xử lý nước thủy sản nhập khẩu.
2. Hành vi không in lại số lô trên nhãn phụ Tiếng Việt có vi phạm quy định về nhãn hàng hóa không?
Để trả lời cho câu hỏi của bạn, đội ngũ tư vấn luật của công ty Luật Thống nhất xin căn cứ vào các văn bản luật gồm có:
Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 04 năm 2004;
Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa;
Thông tư số 23/2015/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 06 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Dựa trên các văn bản Luật ở trên thì chúng tôi xin trả lời cụ thể như sau:
Đối với thắc mắc đầu tiên về vấn đề ghi nhãn phụ tiếng Việt đối với sản phẩm xử lý nước thủy sản nhập khẩu:
+ Sản phẩm xử lý nước thủy sản của Công ty Bạn thuộc đối tượng phải ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
+ Sản phẩm xử lý nước thủy sản được quy định là chế phẩm sinh học dùng trong thủy sản, theo đó, nội dung “định lượng” sản phẩm (số lô hàng dập trên bao bì nhôm sản phẩm) là nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa.
+ Nội dung “định lượng” đã được thể hiện trên nhãn gốc sản phẩm, do vậy nhãn phụ không bắt buộc phải thể hiện nội dung này.
Đối với thắc mắc thứ hai là việc không in lại số lô trên nhãn phụ thì có vi phạm nhãn hàng hóa không:
vì nội dung “định lượng” đã được thể hiện trên nhãn gốc hàng hóa nên nhãn phụ không cần thể hiện lại nội dung này, do vậy nếu Công ty Bạn không in lại số lô trên nhãn phụ Tiếng Việt thì không vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, vì thế bạn không phải lo lắng về vấn đề này.
Một vấn đề nữa mà chúng tôi muốn lưu ý bạn đó là quy định về nhãn phụ, nhãn phụ sản phẩm nhập khẩu của công ty bạn cần phải hợp lệ, đáp ứng được những điều kiện sau:
Theo Điều 3, Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì “Nhãn phụ” là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu.
Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá bao gồm:
– Tên hàng hoá;
– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;
– Xuất xứ hàng hoá;
– Ngày sản xuất;
– Thành phần định lượng;
– Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn;
– Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
Trên đây là những lời giải đáp rất chi tiết và cụ thể của đội ngũ luật sư công ty Luật thống nhất về quy định nhãn hàng hóa sản phẩm nhập khẩu. Nếu bạn vẫn còn câu hỏi cần giải đáp thì hãy liên hệ với chúng tôi ngay nhé!