Con người ngày càng thông minh, ngày càng có nhiều phát minh mới. Những ai tự sáng tạo ra sản phẩm của riêng mình thì thường thắc mắc là không biết có nên đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mình sáng tạo ra hay không? Để bảo vệ quyền lợi của mình sau này, biết đâu sản phẩm của mình bị ăn cắp mà mình chưa đăng kí bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm của mình thì biết làm sao. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này mời các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu một ví dụ cụ thể dưới đây.
Tình huống:
Có một khách hàng thắc mắc như sau:
” Hiện tại, tôi vừa sáng tạo ra một loại sản phẩm về đồ chơi trẻ em. Tôi đang có ý định đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ để tránh bị sao chép thì tôi có nên đăng ký ngay hay không? Và nếu tôi đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm này rồi thì tôi có được sử dụng nhãn hiệu này cho tất cả các sản phẩm đồ chơi khác mà tôi sản xuất ra không? Rất mong nhận được lời giải đáp từ phía Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!”
Giải đáp:
Nội dung tư vấn gồm:
1. Có nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm mình sáng tạo ra hay không?
2. Có được dùng nhãn hiệu đó cho nhiều sản phẩm khác hay không?
Về vấn đề đầu tiên (1), đội ngũ tư vấn luật của chúng tôi dựa vào nội dung nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu xin được giải đáp cụ thể như sau:
– Dựa vào Luật Sở hữu trí tuệ, điều 4 của Luật này nêu rõ “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.
– Cũng dựa vào Luật Sở hữu trí tuệ, điều 72 Luật này nêu rõ nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
+ Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Vậy căn cứ vào thông tin trên, bạn hãy xem xét xem nếu thấy nhãn hiệu của bạn đáp ứng được các quy định trên thì bạn tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngay lập tức.
Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu như sau:
Trước tiên bạn cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ gồm có:
02 bản Tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trong đó phải có danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu phù hợp với thỏa ước Ni-xơ về phân loại hàng hóa và dịch vụ);
Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay quyết đinh, giấy phép thành lập…);
Mẫu nhãn hiệu (9 mẫu kèm theo);
Tài liệu chứng minh quyền sử dụng/đăng ký nhãn hiệu chứa các dấu hiệu đặc biệt (tên, biểu tượng, …);
Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên, bạn đem nộp hồ sơ tại Cục sở hữu trí tuệ và đợi kết quả.
Nếu hồ sơ của bạn hợp lệ thì Cục sở hữu trí tuệ sẽ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp
Chúng tôi lưu ý bạn là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có giá trị trong 10 năm (nếu có nhu cầu làm thủ tục xin gia hạn, được thêm 10 năm cho mỗi lần gia hạn).
Về vấn đề thứ (2): Bạn hãy đọc Luật sở hữu trí tuệ tại khoản 1 điều 87. Dựa vào nội dung có trong Luật này thì thấy rằng: tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
Ngoài ra, khoản 3, Điều 105, Luật Sở hữu trí tuệ quy định : “Hàng hoá, dịch vụ nêu trong đơn đăng ký nhãn hiệu phải được xếp vào các nhóm phù hợp với bảng phân loại theo Thoả ước Ni-xơ về phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu, do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố”.
Như vậy, bạn hoàn toàn có quyền đăng ký và sử dụng một nhãn hiệu cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác nhau với điều kiện bạn cần phân loại hàng hoá/dịch vụ theo nhóm được quy định tại Thoả ước Nice.
Hy vọng, những lời giải đáp trên đã giúp bạn giải tỏa được thắc mắc. Chúc bạn thành công!