Luật sư giỏi

Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ giám định thương mại

Dịch vụ giám định thương mại là một trong các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung số 03/2016/QH14 ban hành ngày 22/11/2016. Các điều kiện kinh doanh dịch vụ giám định được quy định cụ thể trong Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ban hành ngày 14/06/2005 (“Luật Thương mại”). Theo đó, khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ giám định thương mại các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện quy định trong Luật Thương mại.

Dịch vụ giám định được định nghĩa tại Điều 254 Luật Thương mại như sau: Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hoá, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng. Chỉ các thương nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ giám định thương mại mới được phép thực hiện dịch vụ giám định và cấp chứng thư giám định.

Theo Điều 257 Luật Thương mại, khi thành lập công ty tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh dịch vụ giám định thương mại phải có đủ các điều kiện sau đây:

  • Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
  • Có giám định viên đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 259 của Luật này;

(Điều 259 Luật Thương mại quy định tiêu chuẩn giám định viên

1. Giám định viên phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

a) Có trình độ đại học hoặc cao đẳng phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực giám định;

b) Có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ chuyên môn;

c) Có ít nhất ba năm công tác trong lĩnh vực giám định hàng hoá, dịch vụ.

2. Căn cứ vào các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này, giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định công nhận giám định viên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.)

3. Có khả năng thực hiện quy trình, phương pháp giám định hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quốc tế hoặc đã được các nước áp dụng một cách phổ biến trong giám định hàng hoá, dịch vụ đó.

Đối với thương nhân nước ngoài, việc kinh doanh dịch vụ giám định thương mại được quy định tại Điều 5 Nghị định 20/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại ban hành ngày 20/02/2006 quy định (“Nghị định 20/2006/NĐ-CP”). Theo đó, điều kiện khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ giám định thương mại của thương nhân nước ngoài được quy định như sau:

  1. Thương nhân nước ngoài thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định thương mại theo pháp luật về đầu tư tại Việt Nam phù hợp với cam kết tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được thực hiện việc giám định và cấp Chứng thư giám định theo ngành nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương theo quy định hiện hành của pháp luật.
  2. Việc thực hiện dịch vụ giám định thương mại theo ủy quyền của thương nhân nước ngoài quy định tại Điều 267 Luật Thương mại được tiến hành theo quy định tại Mục 3 Chương II Nghị định này.

(Điều 267 Luật Thương mại quy định: “Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định nước ngoài được thuê thực hiện giám định mà chưa được phép hoạt động tại Việt Nam thì thương nhân đó được ủy quyền cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định đã được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện dịch vụ giám định nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về kết quả giám định”.)

Khi thành lập công ty kinh doanh dịch vụ giám định thương mại ngoài việc thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật thì các tổ chức, cá nhân cũng phải đáp ứng các điều kiện trên.

luatsugioi
luatsugioi
Articles: 198