Nhu cầu thực phẩm là nhu cầu thiết yếu mỗi ngày. Thực phẩm có rất nhiều loại bao gồm rau, thịt, cá, gia cầm…Để có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân thì đã có rất nhiều cơ sở mở cửa hàng bán các loại thực phẩm. Một trong số đó là cơ sở gia cầm. Tuy nhiên, để hoạt động một cách đúng với pháp luật thì không đơn giản chỉ là mở cửa hàng và bán mà cần phải làm một số thủ tục chính quyền địa phương yêu cầu. Vậy để mở lò gia cầm sạch đóng gói cần làm những thủ tục gì? Mời các bạn tìm hiểu qua câu hỏi của một chủ lò gia cầm dưới đây.
Câu hỏi
Một người dân ở Thừa Thiên Huế đang có ý định mở lò gia cầm sạch đóng gói với quy mô khoảng 120 triệu và dự tính suất khoảng 100-150 con/ngày đến các xã lân cận. Người này có hỏi cần phải làm những thủ tục gì để lò gia cầm sạch hoạt động bình thường và khi thịt gia cầm sạch được đóng gói thì có cần phải đăng ký nhãn mác hay không? Nếu có thì đăng ký như thế nào?
Giải đáp
Sau khi nhận được câu hỏi từ khách hàng đội ngũ luật sự công ty Luật thống nhất đã trả lời như sau:
Thứ nhất, về vấn đề thủ tục cần làm để mở lò gia cầm sạch
– Trước tiên, bạn cần phải đăng ký giấy phép kinh doanh tùy vào loại hình mà bạn chọn, có hai loại hình kinh doanh đó là kinh doanh hộ cá thể và kinh doanh loại hình doanh nghiệp. Trong trường hợp của bạn, với quy mô không quá lớn như bạn đã trình bày thì có thể mở hộ kinh doanh cá thể và xin giấy phép kinh doanh ở ủy ban cấp quận, huyện nơi bạn mở lò gia cầm sạch.
Giấy tờ cần chuẩn bị khi đi đăng ký giấp phép kinh doanh bao gồm:
+ Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh Hộ kinh doanh theo mẫu;
+ Bản sao CMND của bạn nếu bạn là người duy nhất thành lập Hộ kinh doanh;
+ Phí đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh là: 30.000 đồng.
+ Thời gian giải quyết : 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
+ Về thuế: Sau khi hoạt động, hộ kinh doanh của bạn phải nộp thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Những lưu ý khi thành lập Hộ kinh doanh:
+ Chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm;
+ Sử dụng không quá mười lao động, nếu sử dụng quá 10 lao động phải chuyển đổi thành doanh nghiệp;
+ Không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh;
– Tiếp theo, sau khi đã xin được giấy phép kinh doanh thì bạn tiến hành xin giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận cơ sở của bạn đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm thì bạn tùy vào quy mô kinh doanh mà có thể xin ở cấp quận, huyện hoặc cấp tỉnh.
Để xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
+ Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (theo mẫu);
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sao y công chứng);
+ Bản thuyết minh về điều kiện cơ sở vật chất đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (bản vẽ sơ đồ mặt bằng sản xuất kinh doanh; mô tả quy trình chế biến thực phẩm);
+ Bản cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm do đơn vị sản xuất kinh doanh;
+ Chứng nhận sức khoẻ của người trực tiếp sản xuất kinh doanh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp;
+ Chứng nhận hoàn thành khoá tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Thứ hai, về vấn đề đăng ký nhãn mác
Nếu bạn đóng gói gia cầm sạch phân phối tới các làng xã lân cận thì cần phải có nhãn mác ghi đầy đủ thông tin của cơ sở bạn sản xuất và các thông tin của sản phẩm như trọng lượng, ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Nếu bạn đóng gói gia cầm sạch phân phối tới các siêu thị thì cần phải đăng ký thêm mã số mã vạch vì trong các siêu thị người ta thanh toán tiền thông qua mã vạch.
Trên đây là những chia sẻ của đội ngũ tư vấn luật. Hy vọng câu trả lời đã khiến bạn hài lòng.