Luật sư giỏi

Quy định về ghi nhãn phụ trên sản phẩm nhập khẩu

Nhãn phụ của sản phẩm cũng là một trong những vấn đề mà những người kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài quan tâm. Thắc mắc về vấn đề này có một chủ doanh nghiệp đã đặt ra câu hỏi. Mời các bạn cùng tìm hiểu để biết được nhãn phụ là gì và quy định về ghi nhãn phụ trên sản phẩm nhập khẩu là như thế nào nhé!

Câu hỏi

Công ty chúng tôi chuyên nhập khẩu sản phẩm xử lý nước thủy sản về phân phối tại Việt Nam (không có bất kỳ tác động nào đến sản phẩm ngoại trừ việc dán nhãn phụ tiếng Việt). Trên bao bì nhôm của sản phẩm có dập code lô hàng, vậy cho tôi hỏi là trên nhãn phụ có cần in lại số lô không? Nếu không in lại số lô trên nhãn phụ tiếng Việt thì có vi phạm Luật nhãn mác không?

quy-dinh-ve-ghi-nhan-phu-tren-san-pham-nhap-khau

Trả lời

Văn bản pháp luật

– Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 04 năm 2004;

– Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa;

– Thông tư số 23/2015/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 06 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Quy định của pháp luật về ghi nhãn phụ trên sản phẩm nhập khẩu

Theo Điều 3, Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì “Nhãn phụ” được hiểu là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hoá bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hoá còn thiếu.

Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hoá bao gồm:

– Tên hàng hoá;

– Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;

– Xuất xứ hàng hoá.

(Tham khảo Điều 11, Nghị định 89/2006/NĐ-CP)

Ngoài những nội dung bắt buộc được nêu ở trên thì tùy vào tính chất của từng loại hàng hóa, nhãn hàng hóa phải thể hiện các nội dung bắt buộc khác quy định tại Điều 12 của Nghị định 89/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy khi xem xét quy định tại Điều 12, thì không có nội dung nào để cập đến việc phải ghi số lô trên nhãn hàng hóa.

Như vậy, có thể kết luận rằng việc ghi thông tin về số lô hàng trên nhãn phụ là không bắt buộc, nhãn phụ trên hàng hóa của công ty bạn là hợp lệ nếu có đầy đủ các thông tin từ nhãn gốc dịch ra từ tiếng nước ngoài và bổ sung các nội dung theo quy định nêu trên trong trường hợp nhãn gốc chưa thể hiện.

Ngoài ra, các bạn cũng cần lưu ý đối với sản phẩm nhập khẩu thì cần phải xin giấy phép nhập khẩu (https://luatsugioi.vn/thu-tuc-phap-luat/thu-tuc-xin-cap-giay-phep-nhap-khau-gom-nhung-gi-xin-o-dau.html) trước khi nhập vào Việt Nam.

Vi phạm quy định về ghi nhãn phụ thì xử lý thế nào?

Nếu vi phạm các quy định về ghi nhãn phụ như đã trình bày ở phần trước, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo điểm e, Khoản 5 Điều 14 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính Phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Cụ thể như sau:

Theo quy định của Pháp luật, đối với những hành vi nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam mà thể hiện nội dung chưa đúng, chưa đủ trên nhãn sản phẩm thì sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng và buộc khắc phục các vi phạm về nhãn hàng hóa trước khi hàng hóa được thông quan.

Hy vọng qua những lời tư vấn trên các bạn đã hiểu hơn về vấn đề ghi nhãn phụ cho sản phẩm nhập khẩu. Nếu cần tư vấn luật thêm về bất cứ vấn đề gì thì các bạn hãy liên hệ với công ty Luật chúng tôi nhé!

luatsugioi
luatsugioi
Articles: 198