Mặc dù nước ta đã có bộ Luật sở hữu trí tuệ được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2005 và sau đó là Luật sửa đổi bổ sung lẫn Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ nhưng việc thực hiện bảo hộ nhãn hiệu và nhất là bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam vẫn gây ra nhiều tranh luận, đồng thời khiến doanh nghiệp cả trong nước lẫn nước ngoài gặp khó khăn khi muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ bài chia sẻ hôm nay, chúng tôi sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin cần biết liên quan tới quy định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay.
Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?
Cả Việt Nam và các nước trên thế giới đều có những định nghĩa của riêng mình về thuật ngữ “nhãn hiệu nổi tiếng” và khái niệm này được đề cập lần đầu tiên tại Điều 6bis Công ước Paris 1883. Tuy nhiên Công ước Paris 1883 (mà Việt Nam là thành viên) lại không đưa ra định nghĩa chính thức về nhãn hiệu nổi tiếng.
Trong phạm vi bài viết chỉ bàn về các quy định đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam nên chúng tôi xin đưa ra định nghĩa về “nhãn hiệu nổi tiếng” được đề cập tại Luật sở hữu trí tuệ 2005 vì định nghĩa này sẽ được các cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp lấy làm căn cứ pháp lý. Theo đó, Luật sở hữu trí tuệ định nghĩa: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.
Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam
Điều 75, Luật sở hữu trí tuệ 2005 đã đưa ra những tiêu chí xác nhận một nhãn hiệu được coi là nổi tiếng như sau:
1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
3. Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
5. Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Khó khăn doanh nghiệp gặp phải khi muốn bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam
Theo Điều 42.2, Mục 5 của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN do Bộ khoa học và công nghệ ban hành năm 2007 thì “Quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ và thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu đó mà không cần thủ tục đăng ký”. Như vậy, doanh nghiệp không cần phải làm thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng đối với nhãn hiệu mình đang sở hữu (đã được đăng ký nhãn hiệu trước đó). Nhưng khi có tranh chấp xảy ra về nhãn hiệu nổi tiếng thì doanh nghiệp lại vấp phải không ít rào cản về mặt pháp lý mà rào cản đầu tiên là cơ chế đánh giá nhãn hiệu của doanh nghiệp có được coi là nhãn hiệu nổi tiếng hay không?
Doanh nghiệp khi làm thủ tục nhằm xác nhận nhãn hiệu nổi tiếng thuộc sở hữu của mình phải có các tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu.
Theo đó, Luật sở hữu trí tuệ 2005 chỉ định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Như vậy nhiều người đọc hiểu là nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ dù không được biết đến trên thế giới nhưng chỉ cần được biết đến rộng rãi ở Việt Nam thì được mặc định là nhãn hiệu nổi tiếng rồi. Nhưng trong Điều 75 của luật lại đưa tiêu chí “Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng” làm một trong tiêu chí đánh giá nhãn hiệu được coi là nổi tiếng hay không. Vậy các cơ quan chức năng sẽ giải quyết thế nào khi cần đưa ra phán quyết một nhãn hiệu được nhiều người biết đến trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không được biết trên thế giới hoặc ngược lại một nhãn hiệu được nhiều quốc gia khác công nhận là nổi tiếng nhưng tại Việt Nam nó chưa được đông đảo người dân biết đến là nhãn hiệu nổi tiếng hay không?
(Bài viết được đọc nhiều: https://luatsugioi.vn/dich-vu-dang-ky-bao-ho-logo-chuyen-nghiep-hieu-qua)
Trên đây là một số thông tin cơ bản chúng tôi cung cấp cho các độc giả liên quan tới vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam. Nếu quý độc giả có thắc mắc cần giải đáp, xin liên hệ với chúng tôi để được tư vấn cụ thể.