Luật sư giỏi

Hỏi về việc đăng ký kinh doanh và dán nhãn cho sản phẩm mật ong

Mật ong là một loại thực phẩm quý và cũng có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. Có nhiều cơ sở nuôi ong mật để lấy mật ong đem đi bán. Có nhiều người kinh doanh mật ong mà không biết theo quy định của Pháp luật thì mình có phải đăng kí kinh doanh hay không. Dưới đây là một trường hợp cụ thể hỏi về việc đăng ký kinh doanh và dán nhãn cho sản phẩm mật ong.

Câu hỏi:

Hiện nay, tôi đang nuôi ong mật theo quy mô hộ gia đình để lấy mật ong bán ra ngoài. Tôi đang có ý định dán nhãn cho chai đựng mật ong nhưng không đăng ký kinh doanh. Xin hỏi Luật sư tôi làm thế có đúng với luật pháp hay không? Và việc dán nhãn cho sản phẩm mật ong được thực hiện như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.

hoi-ve-viec-dang-ky-kinh-doanh-va-dan-nhan-cho-san-pham-mat-ong

Giải đáp:

Câu hỏi của bạn được đội ngũ tư vấn luật của công ty Luật thống nhất giải đáp như sau:

1. Đăng ký kinh doanh cho sản phẩm mật ong

Dựa theo luật, cụ thể điều 3 Nghị định 39/2007 về hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh có nêu rõ:

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:

1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

2. Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.”

Dựa vào quy định trên thì thấy hoạt động kinh doanh mật ong của bạn không thuộc đối tượng không phải đăng ký kinh doanh, vì thế nếu bạn muốn thực hiện các hoạt động kinh doanh mật ong thì bạn cần phải đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền.

Bạn kinh doanh theo hộ gia đình nên bạn có thể đăng ký kinh doanh với hình thức kinh doanh cá thể.

2. Dán nhãn cho sản phẩm mật ong

Về việc dán nhãn cho sản phẩm mật ong thì Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 về nhãn hàng hóa, theo điều 11 và điều 12 của nghị định này, nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa bao gồm:

Nhãn hàng hoá bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:

a) Tên hàng hoá;

b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá;

c) Xuất xứ hàng hóa;

d) Định lượng;

đ) Ngày sản xuất;

e) Hạn sử dụng;

f) Thành phần hoặc thành phần định lượng;

g) Thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn;

h) Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, kinh doanh mật ong, bạn phải tuân thủ các quy định kiểm tra, giám sát, vệ sinh thú y đối với sản xuất kinh doanh mật ong được quy định tại Thông tư số 23/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày 29/4/2009.

Hy vọng câu trả lời đã giải đáp hết thắc mắc của bạn. Chúc bạn kinh doanh thành công!

luatsugioi
luatsugioi
Articles: 198