Nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng, quán ăn…ngày càng nhiều nên số lượng những nơi phục vụ ăn uống ngày càng tăng. Có người có một cơ sở rồi nhưng muốn mở thêm một cơ sở nữa vì thấy ngành phục vụ ăn uống rất phát triển. Dưới đây là một trường hợp cụ thể muốn mở thêm nhà hàng nhưng còn băn khoăn về việc xin giấy phép và thủ tục xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Hỏi đáp về thủ tục xin giấy phép mở thêm nhà hàng ăn uống.
Câu hỏi
Hiện nay tôi đang công tác trong công ty chuyên kinh doanh các nhà hàng ăn uống phục vụ thức ăn Nhật việt. Tôi muốn hỏi thủ tục xin giấy phép mở thêm chi nhánh và thủ tục xin giấy phép an toàn thực phẩm dành cho nhà hàng phục vụ ăn uống là như thế nào? Rất mong được công ty Luật giải đáp giúp.
Giải đáp
Câu hỏi của bạn có hai vấn đề: thứ nhất là xin giấy phép mở thêm chi nhánh. Thứ hai là thủ tục xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Vấn đề thứ nhất: xin giấy phép mở thêm chi nhánh nhà hàng
Nếu trường hợp nhà hàng chính của bạn là Hộ kinh doanh thì chúng tôi lưu ý là bạn sẽ không được mở thêm chi nhánh trong trường hợp này.
Còn nếu không phải là Hộ kinh doanh thì bạn có thể mở thêm chi nhánh với Bộ hồ sơ để đăng kí thành lập chi nhánh công ty bao gồm:
– Thông báo thành lập chi nhánh công ty
– Quyết định bằng văn bản của chủ sở hữu về việc lập Chi nhánh công ty. Trường hợp là công ty TNHH 2 thành viên hoăc CTCP thì phải có QĐ của HĐTV/ĐHĐCĐ, kèm theo biên bản họp HĐTV/ĐHĐCĐ
– Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh công ty
– Bản sao hợp lệ Giấy CMND (hoặc Hộ chiếu) còn hiệu lực của Người đứng đầu Chi nhánh công ty
– Các tài liệu khác: Bản sao hợp lệ Chứng chỉ hành nghề của Người đứng đầu chi nhánh hoặc và của cá nhân khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành nếu Chi nhánh kinh doanh các ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề.
– Bản sao ĐKKD của công ty
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thì bạn đem nộp hồ sơ tại Phòng ĐKKD- Sở KHĐT
Thời hạn giải quyết hồ sơ: 5 ngày làm việc
Lệ phí 100.000 đồng
Vấn đề thứ hai: Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP
Bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (theo Mẫu).
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở).
– Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình bảo quản, phân phối sản phẩm và bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở kinh doanh.
– Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm:
+ Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (Có xác nhận của cơ sở);
+ Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách kết quả khám sức khoẻ, xét nghiệm phân của chủ cơ sở và của người tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Có xác nhận của cơ sở).
Thủ tục cấp giấy chứng nhận VSATTP:
Bước 1. Thẩm xét hồ sơ:
a) Kể từ khi nhận đủ hồ sơ trong thời gian 5 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thẩm xét tính hợp lệ của hồ sơ để xem hồ sơ có đạt yêu cầu hay không và thông báo bằng văn bản cho cơ sở nếu hồ sơ không hợp lệ;
b) Nếu nhận được thông báo hồ sơ không hợp lệ mà cơ sở không có phản hồi hay bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu trong thời gian không quá 60 ngày thì cơ quan tiếp nhận sẽ huỷ hồ sơ.
Bước 2. Thẩm định cơ sở:
Nếu sau khi thẩm xét thấy hồ sơ hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định cơ sở trong vòng 10 ngày làm việc. Trường hợp uỷ quyền thẩm định cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải có văn bản ủy quyền;
Đoàn thẩm định cơ sở do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc cơ quan được ủy quyền thẩm định ra quyết định thành lập;
Nội dung thẩm định cơ sở:
Đối chiếu thông tin và thẩm định tính pháp lý của hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở theo quy định; thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở theo quy định và ghi vào mẫu biên bản ban hành kèm theo Thông tư này.
Bước 3. Cấp Giấy chứng nhận:
a) Trường hợp cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo mùa vụ phải ghi rõ thời gian hoạt động trong Giấy chứng nhận;
d) Trường hợp cơ sở chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm và phải chờ hoàn thiện phải ghi rõ nội dung và thời gian hoàn thiện nhưng không quá 60 ngày. Đoàn thẩm định tổ chức thẩm định lại khi cơ sở có văn bản xác nhận.
c) Nếu cơ sở không đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý địa phương để giám sát và yêu cầu cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu muốn được xem xét cấp Giấy chứng nhận theo quy định thì cơ sở phải nộp lại hồ sơ.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề mình thắc mắc. Nếu còn vấn đề gì cần tư vấn thì các bạn hãy liên hệ với công ty Luật thống nhất của chúng tôi nhé!