Đường là mặt hàng cần thiết sử dụng thường xuyên trong việc pha chế đồ uống, nấu ăn, làm bánh… Đường thường được đóng thành những gói to nhỏ tùy vào nhu cầu sử dụng của người dùng. Về hoạt động đóng gói đường thì có một chủ cơ sở đóng gói đường đã gửi về công ty Luật thống nhất một câu hỏi đáp về hoạt động đóng gói đường.
Câu hỏi như sau:
Hiện nay, công ty tôi mua đường bao về rồi đóng gói và đem bán buôn bán lẻ trên thị trường. Công ty tôi có chọn mã ngành là 8292 (dịch vụ đóng gói) không biết có đúng với quy định của pháp luật không? Tôi hơi băn khoăn về cụm từ dịch vụ đóng gói, tôi có thể hiểu là dịch vụ đóng gói tức là một công ty khác mua đường về và thuê công ty tôi đóng gói. Nhưng trường hợp của công ty tôi là tự làm hết, tự mua đường về rồi tự đóng gói và bán ra thị trường. Rất mong luật sư tư vấn giúp để tôi hiểu rõ hơn về vấn đề này để công ty tôi yên tâm kinh doanh. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Giải đáp:
Đội ngũ tư vấn luật xin được giải đáp câu hỏi của bạn như sau:
Qua vấn đề bạn trình bày quan điểm của mình có thể thấy bạn đã hiểu đúng vấn đề về dịch vụ đóng gói. Mã ngành 8292 là dịch vụ đóng gói thuê cho đơn vị khác. Còn công ty bạn là tự mình đóng gói. Như vậy việc công ty bạn chọn mã ngành 8292 (dịch vụ đóng gói) là không hợp lý, chưa đúng với quy định của pháp luật.
Trường hợp của công ty bạn thì bạn cần phải đăng ký kinh doanh cho mặt hàng đường. Đường là mặt hàng thuộc nhóm thực phẩm. Vậy nên, công ty bạn cần phải đăng ký kinh doanh trong đó có ngành nghề bán buôn, bán lẻ thực phẩm.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn hãy đọc Văn bản pháp luật Quyết định 10/2007/QĐ-TTg về Ban hành hệ thống nghành kinh tế Việt Nam.
Sau khi tìm hiểu về Quyết định này, đối chiếu với ngành nghề mà công ty bạn đang kinh doanh thì chúng tôi thấy rằng công ty bạn cần phải đăng ký ngành nghề như sau:
– Đối với trường hợp bán buôn
Đọc Quyết định 10/2007/QĐ-TTg thì có thể thấy Bán buôn thực phẩm tương ứng với mã ngành cấp 4 là 4632, cụ thể và chi tiết hơn trong mã ngành cấp 5 là 46326 – Bán buôn đường, sữa và các sản phẩm sữa, bánh kẹo và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, bột, tinh bột.
Tra cứu trong Quyết định 10/2007/QĐ-TTg thì có thể thấy rõ
– Đối với trường hợp bán lẻ
Đọc Quyết định 10/2007/QĐ-TTg thì có thể thấy Bán lẻ thực phẩm trong các cửa hàng kinh doanh tương ứng với mã ngành cấp 4 là 4722.
Cụ thể hơn trong mã ngành cấp 5 là 47224 – Bán lẻ đường, sữa và các sản phẩm sữa, bánh, mứt, kẹo và các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, bột, tinh bột trong các cửa hàng chuyên doanh.
Như vậy, để công ty bạn có thể hoạt động bình thường mà không vi phạm pháp luật thì bạn cần phải đăng ký kinh doanh với những mã ngành đã được nêu ra ở trên.
Hy vọng những lời tư vấn của công ty Luật thống nhất chúng tôi đã giúp bạn giải tỏa được thắc mắc. Các bạn cần chú ý trước khi đăng kí mã ngành kinh doanh để tránh trường hợp đăng ký sai mã ngành lại phải mất thời gian và công sức đi đăng kí lại mà không được kết quả gì. Bạn hãy tìm hiểu thật kĩ những điều khoản trong Luật pháp quy định cho từng lĩnh vực riêng.
Nếu cần tư vấn thêm về mã ngành kinh doanh cho công ty bạn hay bất cứ vấn đề gì khác mà bạn còn thắc mắc thì đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với đội ngũ luật sư chuyên nghiệp của chúng tôi. Câu hỏi, những thắc mắc của bạn sẽ nhanh chóng được giải đáp một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Chúc công ty bạn kinh doanh thành công!